Cố nghệ sĩ Thanh Kim Huệ để lại cho đời giọng ca, cách diễn cải lương độc đáo, nhất là vai nàng Lan bạc mệnh của "Lan và Điệp".
Bạn đang xem: Cải lương xưa "chuyện tình lan và điệp"
Tin Thanh Kim Huệ qua đời ở tuổi 67, chiều 23/12, khiến đông đảo nghệ sĩ và người mộ điệu bàng hoàng. Một thời gian dài, nghệ sĩ mắc ung thư nhưng kín tiếng, chỉ chia sẻ với một số đồng nghiệp thân thiết và âm thầm điều trị. Hay tin dữ, nghệ sĩ Minh Vương - đàn anh Thanh Kim Huệ - lặng người: "Vậy là cô Lan đã xa rồi".
Thanh Kim Huệ ở tuổi ngoài 60 vẫn hát sung sức trên sân khấu. Ảnh: Thanh Kim Hue Fanpage
Lần đầu được giao vai lớn, đứng trong phòng thu, bà toát mồ hôi vì chưa có kinh nghiệm lẫn cảm xúc để nhập vai. Được soạn giả khuyên cứ hát bằng chính sự mộc mạc, ít trau chuốt của mình, bà dần hòa mình vào dòng tâm tình của Lan. Tiếng ca của nghệ sĩ lúc nũng nịu, hờn dỗi, khi xót xa, đau đớn trong đoạn Lan tiễn Điệp lên thành phố, trao cho anh "ba đồng hai", dặn anh "gõ dây thép về cho má vui". Thanh Kim Huệ diễn trọn vẻ bối rối lẫn thiết tha của một thiếu nữ miền Tây trước mối tình đầu. Đến đoạn Lan nhận ra Điệp phản bội lời thề, bà hát dốc lòng, giọng vang lên đầy tủi hờn, chua xót. "Đến lời "Có vợ rồi nên tử tế với người ta", nghe đờn kìm vang lên, tôi vỡ òa vì khóc thương cho nhân vật", nghệ sĩ hồi tưởng trong một lần phỏng vấn vào tháng 3/2020.
Phân cảnh Lan sắp trút hơi thở cuối cùng trên tay Điệp đi vào lịch sử cải lương như một trong những trích đoạn tiêu biểu. Thanh Kim Huệ lấy bao nước mắt của khán giả nhiều thế hệ khi xuống vọng cổ: "Lá bàng ngoài kia cũng ngập ngừng rơi trong gió/ Như nỗi buồn xưa chồng chất giữa tim sầu/... Mái tranh xưa chắc u buồn quạnh quẽ/ Vì người con gái tên Lan không về nữa bao giờ". Lối hát của bà lúc này không còn nức nở, nghẹn ngào mà thản nhiên, nuốt nỗi đau vào trong, như cách Lan sắp từ giã cõi trần mà tơ lòng chưa dứt.
Ra mắt năm 1974, đĩa nhạc lập tức gây tiếng vang, đưa Thanh Kim Huệ đến đỉnh cao danh vọng. Nghệ sĩ cho biết, một thời gian dài lưu diễn các tỉnh miền Tây, đi đến đâu, bà và Chí Tâm đều được khán giả đề nghị hát lại các trích đoạn, gọi bằng biệt danh "cô Lan", "anh Điệp". Thanh Kim Huệ nghiễm nhiên bước vào hàng những giọng ca nữ ăn khách nhất sau năm 1975, các hãng đĩa liên tiếp mời cộng tác. Nghệ sĩ Bạch Tuyết đánh giá trước đó và sau này, không ai diễn vai Lan qua được Thanh Kim Huệ bởi làn hơi dài đặc trưng, chất giọng kim vang, sáng như "xuyên tâm" khán giả. "Cả đời đi hát, tôi thấy chỉ có vài nữ nghệ sĩ có chất giọng "lạ" như thế. Ngoài Mỹ Châu, Lệ Thủy, người thứ ba là Thanh Kim Huệ", bà nói.
Thành công của Lan và Điệp còn tạo áp lực lên Thanh Kim Huệ. Dù nhiều bầu show ngỏ ý, bà chưa từng nhận lời diễn hay thu lại vai Lan vì sợ không qua được cái bóng chính mình. Đến năm 2019, sau khi được nghệ sĩ Gia Bảo thuyết phục, bà mới diễn tuồng này sau hàng chục năm. Lần đầu đóng Lan trên sân khấu, ở tuổi ngoài 60, giọng bà vẫn vang ngân, có lúc lấn lướt bạn diễn Chí Tâm. Tiếng ca đôi chỗ đã nhuốm màu tuổi tác nhưng được bù đắp bởi kỹ thuật diễn tinh tế trong cách Lan khẽ quay mặt, đôi vai rung lên, nhận ra tấm lòng đã bị cự tuyệt. Sau hơn 40 năm, Thanh Kim Huệ chứng thực thành công ngày nào đến với bà không chỉ vì may mắn, khi liên tiếp những tràng pháo tay của khán giả vang lên suốt đêm diễn đó.
Vai Thị Hến là một minh chứng khác cho tài biến hóa trên sân khấu của Thanh Kim Huệ. Thập niên 1980, bà lần đầu đóng đào lẳng trong tuồng kinh điển Ngao, Sò, Ốc, Hến của đoàn cải lương Sài Gòn 1.
Nghệ sĩ nghiên cứu kỹ tích cổ, tự sáng tạo để thể hiện nhân vật khác biệt với nguyên tác. Vai Thị Hến qua nét diễn hội tụ thanh sắc của Thanh Kim Huệ trở nên giàu sức sống trong điệu bộ chua ngoa, lối quẩy tay, cách đánh hông ngúng nguẩy. Màn quan huyện xử án, Thanh Kim Huệ khoe làn hơi ca cổ đầy nội lực, ngân dài - cho đến nay chưa có nghệ sĩ nào tái hiện được trọn vẹn nhân vật kinh điển này của bà.
Xem thêm: Cách Khắc Phục Lỗi Điện Thoại Bắt Wifi Yếu, Kết Nối Wifi Không Ổn Định
Trong nhiều phân đoạn, khán giả tưởng bà diễn ngẫu hứng, kỳ thực đều có tính toán kỹ lưỡng. Cùng hai nhân vật quan huyện (Thanh Điền) và Trùm Sò (Giang Châu), vai Thị Hến trở thành tâm điểm của vở diễn. Mỗi lần đi diễn ở các tỉnh, công chúng thường gọi bà bằng tên Thị Hến thay vì nghệ danh.