NGƯỜI BẮC NINH VỐN TRỌNG CHỮ TÌNH

Bắc Ninh - miền đất văn hiến, nơi lịch sử quyện vào huyền sử, rực rỡ hội hè. Con người nơi đây mang vẻ đẹp hào hoa, lịch lãm, sống trọng nghĩa trọn tình, trước sau như một.

Bạn đang xem: Người bắc ninh vốn trọng chữ tình


Người Quan họ, từ khi mới sinh ra đã được ông, bà, cha, mẹ hát ru bằng những làn điệu dân ca ngọt ngào, tha thiết, cứ như vậy đến lúc trưởng thành lại tiếp tục yêu nhau qua từng điệu hát. Chất thơ, chất nhạc, chất tình cứ tự nhiên thấm ngấm vào tiềm thức để mỗi lời nói, cử chỉ của người Quan họ đều đẹp như khúc hát dân ca. Ở mảnh đất mến yêu này, người ta không gọi khách thập phương là ông này, bà kia mà trân trọng gọi nhau là “người”. Một đại từ phiếm chỉ riêng có trong Quan họ: “Nghĩa người em để trong cơi/Nắp vàng đậy lại để nơi giường nằm”, “Nghĩa người em bắc lên cân/Bên vàng nặng chín, bên ân nặng mười”; “Người buông vạt áo em ra”, “Người ơi đến hẹn lại lên”, “Người ơi người ở đừng về”…

*

Nét đẹp văn hóa trong ứng xử của người Quan họ luôn được gìn giữ, phát huy trong cuộc sống.

Tình người Quan họ luôn được nhắc đến nọi nơi, mọi lúc như một ý thức về bản sắc của vùng Bắc Ninh-Kinh Bắc. GS. Nguyễn Chí Bền, Nguyên Viện Trưởng Viện Văn hóa Quốc gia Việt Nam có lần chia sẻ: “Người Quan họ đến với nhau không chỉ có ca hát mà là cả một lối chơi văn hóa. Họ trọng nhau vì nghĩa, mến nhau vì tài, say nhau vì câu ca lời hát. Chính đây là khu biệt của Dân ca Quan họ Bắc Ninh và các thể loại khác của nghệ thuật trình diễn mà UNESCO vinh danh”. Nếu những loại hình dân ca khác việc ca hát là chính thì ở Dân ca Quan họ Bắc Ninh, lời ca, câu hát chỉ là phương tiện để người Quan họ thực hành nghề chơi, trao gửi nghĩa tình. Tình người Quan họ gắn bó thủy chung như nhất, sóng sánh, quấn quện ngàn đời không dứt... mà tục kết bạn chính là một minh chứng mẫu mực, điển hình cho tình cảm thánh thiện, trong sáng của những người bạn tri âm tri kỉ. Quan họ kết bạn không kết duyên nhưng vẫn có thể hát cả đời với nhau để giữ cho lề lối nghề chơi mãi trong sáng, bền lâu. Người ta vẫn kể cho nhau nghe những câu chuyện về tình bạn trong sáng, thủy chung son sắt của những liền anh, liền chị kết bạn Quan họ. Có một chuyện kể rằng, sắp tới ngày hội đền Vua Bà Thủy tổ Quan họ, liền anh làng Diềm xuống mời liền chị Quan họ làng Bịu lên dự hội. Liền chị làng Bịu ca câu “Ngậm ngùi trong dạ nhớ mong/Ngẫm xem thế sự chạnh lòng cả hai/Nỗi niềm tưởng đến gần xa/Song le còn bận việc nhà chưa xong” rồi xin lỗi liền anh vì việc nhà chưa xong nên không thể dự hội. Sợ liền anh không tin, liền chị làng Bịu dẫn liền anh ra đồng chỉ cái ruộng nhà mình vẫn chưa cày bừa mà xung quanh người ta cấy xong hết cả rồi để liền anh tin là bận việc thật chứ không phải giận hờn gì. Ngày hôm sau, khi các liền chị ra đồng thì ruộng đã cày bừa xong. Tức là, liền anh làng Diềm đã đánh trâu đi hơn 10 cây số xuống cày ruộng hộ để liền chị không còn cớ từ chối đi hội... Nhiều người thiên hạ nghe chuyện cứ nghĩ là hư cấu nhưng đó là một trong số rất nhiều những câu chuyện thật đã trở thành huyền thoại về tình người Quan họ.

*

Sinh hoạt văn hóa Quan họ trở thành sợi dây tinh thần bền chặt gắn kết cộng đồng giúp Quan họ ngày càng lan tỏa.

Xem thêm: Những Kiểu Tóc Đẹp Cho Mặt Tròn Nữ, Những Kiểu Tóc Đẹp Cho Nữ Mặt Tròn

Nhiều năm điền dã, tìm hiểu văn hóa Quan họ, nhà nghiên cứu Lê Danh Khiêm kể: Ngoài ca hát, các bọn Quan họ còn quan tâm giúp đỡ nhau trong cuộc sống lao động sản xuất hoặc buôn bán, thăm hỏi nhau mỗi khi gia đình một liền anh, liền chị trong bọn có việc hiếu, hỉ, đau ốm, làm nhà, mừng thọ... Mối quan hệ thân tình, chu đáo, thủy chung son sắt ấy vừa tôn vinh nét đẹp văn hóa cộng đồng vừa thể hiện đời sống tình cảm, tinh thần người Quan họ luôn hướng đến chân, thiện, mỹ. Nối tiếp các thế hệ, tình nghĩa vẫn luôn được nâng niu, gìn giữ, trở thành “lời ăn nết ở”, cốt cách người Quan họ. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hảo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Quan họ tỉnh chia sẻ: Tôi với chị hai Vũ Thị Dự ở Niềm Xá là một cặp có thâm niên mấy chục năm chơi Quan họ cùng nhau. Chúng tôi gắn bó từ lúc trẻ đến nay hai chị em đều chạm ngưỡng thất thập cổ lai hi nhưng tình cảm vẫn thân thiết, mặn nồng như thủa ban đầu. Dù trong luyện tập, biểu diễn hay cuộc sống thường ngày, hễ gia đình ai có công việc vui, buồn, đau ốm là chị em qua lại, thăm hỏi, động viên nhau, coi nhau như người một nhà. Chị em tôi đều đang dốc sức truyền dạy vốn liếng của mình cho thế hệ trẻ, nối dài truyền thống văn hóa quê hương... Lối sống trọng nghĩa tình không chỉ là “chất cốt” tạo nên sức sống của di sản văn hóa Quan họ hàng trăm năm qua mà còn lan tỏa sinh động trong mọi lĩnh vực đời sống và trong suốt quá trình dựng xây quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc. Nhiều việc làm, nhiều hành động mang ý nghĩa sâu sắc, riêng có của Bắc Ninh được triển khai và trở thành việc làm thường xuyên, nét đẹp trong cuộc sống thường ngày của người dân. Tiêu biểu như chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể; sự quan tâm chăm lo người có công, gia đình chính sách, người cao tuổi; giúp đỡ các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và những người yếu thế vươn lên trong cuộc sống; hỗ trợ đồng bào ở các tỉnh, địa phương bị thiên thai, dịch bệnh... Ngay như tháng 2-2021, khi làn sóng thứ 3 của dịch COVID-19 ập đến, Bắc Ninh cũng là một trong 13 tỉnh có các ca dương tính, vừa căng mình, dồn sức chống dịch, Bắc Ninh vẫn dành sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực bằng cả vật chất lẫn tinh thần với tỉnh bạn Hải Dương; người Bắc Ninh sẵn lòng “giải cứu” hàng tấn nông sản giúp nông dân Hải Dương vượt qua khó khăn... Hiện thực cuộc sống đương đại cho thấy, sinh hoạt văn hóa Quan họ đã trở thành sợi dây tinh thần bền chặt gắn kết cộng đồng, giữa nhóm người này với nhóm người khác, giữa làng này với làng khác, vừa thủy chung ân nghĩa, vừa yêu thương giúp đỡ khi khó khăn cũng như lúc mừng vui, hạnh phúc. Chính vì thế, Quan họ vẫn “lừng lững tồn tại” qua bao bão táp của thời gian và đang toả ngát sắc hương đặc biệt của mình, mãi là nguồn sữa tinh thần bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn để mỗi người thêm yêu đời, yêu người, yêu quê hương, Tổ quốc. (*) Lời trong bài hát “Ngẫu hứng giao duyên” của nhạc sĩ Trần Tiến.